Lịch sử Hoài_Đức

Tên gọi Hoài Đức có từ năm 622 đời Đường, niên hiệu Vũ Đức do huyện Tống Bình tách ra làm 2 huyện Giao Chỉ và Hoài Đức.

Năm 627: Hợp nhất các huyện Hoàng Giáo, Giao Chỉ và Hoài Đức thành huyện Tống Bình.

Thời Lý- Trần, phần đất huyện Hoài Đức hiện nay thuộc thuộc châu Từ Liêm và huyện Từ Liêm, phủ Đông Đô, lộ Đông Đô.

Thời Lê, phần đất huyện Hoài Đức hiện nay thuộc huyện Đan Phượng và huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

Phủ Hoài Đức nhà Nguyễn

Bản đồ phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội và thành Hà Nội năm 1883

Năm Gia Long thứ 4 (1805): Gia Long đổi tên phủ Phụng Thiên của Thăng Long (thời Hậu Lê) thành phủ Hoài Đức, với nguyên trạng phần đất Phụng Thiên cũ, gồm 2 huyện Vĩnh Thuận (tức là huyện Quảng Đức thời Hậu Lê) và Thọ Xương (hay Vĩnh Xương) thời Lê [1]. Như vậy, phủ Hoài Đức những năm đầu nhà Nguyễn (từ những năm 1805-1831) là phần đất thuộc các huyện Đan Phượng và Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Phần thuộc huyện Đan Phượng thời Nguyễn gồm các xã: Dương Liễu, Cát Quế (Quế Dương),Yên Sở,... thuộc tổng Dương Liễu; Lai Xá (Lai Xá, Kim Chung),... thuộc tổng Kim Thia; Sơn Đồng thuộc tổng Sơn Đồng; Đắc Sở, Lại Yên,... thuộc tổng Đắc Sở;... Phần thuộc huyện Từ Liêm thời Nguyễn gồm các xã: Vân Canh,... thuộc tổng Hương Canh; La Phù, An Khánh, An Thượng, Đông La, Vân Côn... thuộc tổng Yên Lũng;...[2]

Năm 1831: Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội. Phủ Hoài Đức là một trong 4 phủ của tỉnh Hà Nội là: Hoài Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân.

Đồng thời, năm 1831, tách huyện Từ Liêm ra khỏi phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây) cho lệ vào phủ Hoài Đức, (một phần của huyện Hoài Đức ngày nay cũng theo huyện Từ Liêm nhà Nguyễn nhập vào phủ Hoài Đức). Phủ lị ở thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương, nay là khu vực phố Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tường thành phủ chu vi 203 trượng, cao 7 thước, 2 tấc, mở 3 cưa, hào rộng 2 trượng 5 thước, tường thành hình vuông, chiều Đông Bắc – Tây Nam. Phía Bắc giáp phố Ấu Triệu hiện nay. Năm 1833, dời đến xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, do phủ kiêm lý, đắp thành phủ mới, có hào, mặt trước, nay là đường Nguyễn Phong Sắc quận Cầu Giấy Hà Nội. Năm 1883, tại lỵ sở phủ Hoài Đức diễn ra một trận kháng cự của quân đội nhà Nguyễn cùng quân Cờ Đen chống lại cuộc tấn công của quân đội Viễn chinh Pháp (Pháp đánh Phủ Hoài), trước khi nhà Nguyễn chính thức đầu hàng Pháp.

Quy mô phủ Hoài Đức như sau:

  • Huyện Thọ Xương (8 tổng: 193 phường, thôn, trại) gồm các tổng: Tả Túc, Tiền Túc, Hữu Túc, Hậu Túc, Tả Nghiêm, Tiền Nghiêm, Hữu Nghiêm, Hậu Nghiêm.
  • Huyện Vĩnh Thuận (5 tổng: 57 xã, thôn, phường, trại) gồm các tổng: Thượng, Trung, Nội, Hạ, Yên Thành.
  • Huyện Từ Liêm (13 tổng: 91 xã, thôn, trang, trại, phường, sở), được chuyển từ tỉnh Sơn Tây về, gồm các tổng: Thượng Hội, Thượng Trì, Hạ Trì, Phú Gia, Minh Cảo, Cổ Nhuế, Dịch Vọng, Hương Canh, Tây Đam, Thượng Ốc, Yên Lũng, La Nội, Thiên Mỗ.

Năm 1888, huyện Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, được nhập vào phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội (kéo theo một phần đất của Hoài Đức ngày nay, thuộc Đan Phượng thời đó, được nhập vào phủ Hoài Đức). Huyện Đan Phượng (9 tổng: 60 xã, thôn, châu, phường, vạn) gồm các tổng: Sơn Đồng, Hạ Hiệp, Thượng Hiệp, Kim Thia, Phượng Thượng, Dương Liễu, Đắc Sở, Thiên Mạc, Thu Vĩ.

Từ ngày 6 tháng 12 năm 1904, phủ Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Đông (đổi tên từ tỉnh Cầu Đơ). Năm 1942, thì bỏ phủ Hoài, phần đất nguyên của phủ Hoài Đức được nhập vào Hà Nội.

Huyện Hoài Đức hiện nay

Sau năm 1945, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông được thành lập trên phần đất nguyên là một số xã của các huyện Đan Phượng và huyện Từ Liêm

Từ tháng 3 năm 1947, 4 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai và thị xã Hà Đông được cắt chuyển về thành phố Hà Nội theo quyết định của Khu II (Khi sự kiện 19 tháng 12 năm 1946 nổ ra, Mặt trận Hà Nội được sáp nhập vào Khu II. Từ ngày 1 tháng 11 năm 1948, Khu 2 đặt quyền trực thuộc của Liên khu 3, nhưng đến tháng 5 năm 1949 thì khu Hà Nội lại được tách ra để thành lập Mặt trận Hà Nội độc lập, trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Tình trạng này được duy trì cho đến sau năm 1954, khi đấy gọi là Khu Hà Nội).

Từ ngày 12 tháng 3 năm 1947 đến tháng 5 năm 1948, huyện Hoài Đức được gộp vào liên quận huyện IV - Hoài Đức và Đan Phượng (theo công văn số: 038/KCT, ngày 13 tháng 3 năm 1947), UBK- Khu XI của Bộ chỉ huy Chiến khu XI). Tháng 5 năm 1947, Trung ương quyết định tách ba tỉnh Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây ra khỏi Khu II, thành lập Khu XI.

Tháng 5 năm 1948 đến tháng 10 năm 1948, Khu XI được Trung ương quyết định giải thể Khu XI và thành lập tỉnh Lưỡng Hà (Hà Đông - Hà Nội) thuộc Liên khu III. Lúc này, liên quận huyện IV - Hoài Đức và Hoài Đức được tách ra thành huyện Liên Bắc. Hoài Đức thuộc huyện Liên Bắc - tỉnh Lưỡng Hà.

Từ tháng 10 năm 1948 đến tháng 3 năm 1954: Khu uỷ III tách Lưỡng Hà thành 2 tỉnh: Hà Đông, Hà Nội, và do vậy, lúc này, Hoài Đức thuộc huyện Liên Bắc tỉnh Hà Đông

Đến tháng 11/1953, huyện Hoài Đức và huyện Đan Phượng được tách bởi huyện Liên Bắc. Hoài Đức bao gồm 10 xã: Kim Chung, Thọ Nam, An Thượng, Sơn Trang, Hữu Hưng, Dương Cát, Đại La, Phương Sơn, Vân Côn, Mã Tân.

Tháng 4 năm 1954, huyện Hoài Đức được tái lập và thuộc tỉnh Hà Đông quản lý theo quyết định của Liên khu uỷ III.

Sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất (1956), Hoài Đức có thêm 2 xã mới sáp nhập về là xã Cương Kiên và xã Văn Khê. Đồng thời để phù hợp với những quy định mới về quản lý đơn vị hành chính, một số xã được tách ra, thay đổi lại. Lúc này Hoài Đức có 25 xã.

Ngày 20 tháng 4 năm 1961: Kì họp khóa II, kỳ 2, Quốc hội đã quyết định mở rộng Hà Nội lần thứ nhất, 3 xã của huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Đông) là: Cương Kiên (Trung Văn), Hữu Hưng (sau chia thành 2 xã: Tây Mỗ và Đại Mỗ), Xuân Phương được sáp nhập vào Hà Nội (nay là các phường Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Phương CanhXuân Phương thuộc quận Nam Từ Liêm).[3]

Ngày 21 tháng 4 năm 1965: Huyện Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Tây mới được thành lập do hợp nhất 2 tỉnh Hà ĐôngSơn Tây.[4]

Ngày 15 tháng 9 năm 1969, chuyển xã Văn Khê vào thị xã Hà Đông (nay là 2 phường La KhêPhú La thuộc quận Hà Đông).[5]

Từ ngày 27 tháng 12 năm 1975, Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Sơn Bình hình thành do sáp nhập 2 tỉnh Hà TâyHòa Bình[6], gồm 21 xã: An Khánh, An Thượng, Cát Quế, Đắc Sở, Di Trạch, Đông La, Đức Giang, Đức Thượng, Dương Liễu, Dương Nội, Kim Chung, La Phù, Lại Yên, Minh Khai, Sơn Đồng, Song Phương, Tiền Yên, Vân Canh, Vân Côn, Yên Nghĩa, Yên Sở.

Ngày 29 tháng 12 năm 1978: Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 4 đã quyết định mở rộng Hà Nội lần thứ 2, Hoài Đức cùng với các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình và 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phú được sáp nhập vào Hà Nội[7]; đồng thời tiếp nhận 4 xã Tân Phú, Đại Thành, Cộng Hòa, Tân Hòa của huyện Quốc Oai và 2 xã: Phụng Châu, Tiên Phương của huyện Chương Mỹ[8]. Lúc này, huyện Hoài Đức có 27 xã: An Khánh, An Thượng, Cát Quế, Cộng Hòa, Đắc Sở, Đại Thành, Di Trạch, Đông La, Đức Giang, Đức Thượng, Dương Liễu, Dương Nội, Kim Chung, La Phù, Lại Yên, Minh Khai, Phụng Châu, Sơn Đồng, Song Phương, Tân Hòa, Tân Phú, Tiên Phương, Tiền Yên, Vân Canh, Vân Côn, Yên Nghĩa, Yên Sở.

Ngày 12 tháng 8 năm 1991: Tỉnh Hà Tây được tái lập, tách từ tỉnh Hà Sơn Bình. Tại kì họp thứ 9 quốc hội khoá VIII ngày 12 tháng 8 năm 1991, ranh giới thành phố Hà Nội được điều chỉnh, Hoài Đức cùng với 4 huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây được trao trả cho tỉnh Hà Tây.[9]

Ngày 23 tháng 6 năm 1994, trả lại các xã Phụng Châu, Tiên Phương cho huyện Chương Mỹ và trả lại các xã Tân Phú, Đại Thành, Cộng Hòa, Tân Hòa cho huyện Quốc Oai; đồng thời, thị trấn Trạm Trôi được thành lập (trên cơ sở thôn Giang Xá của xã Đức Giang) và trở thành huyện lị của huyện.[10] Lúc này, huyện Hoài Đức có thị trấn Trạm Trôi và 21 xã: An Khánh, An Thượng, Cát Quế, Đắc Sở, Di Trạch, Đông La, Đức Giang, Đức Thượng, Dương Liễu, Dương Nội, Kim Chung, La Phù, Lại Yên, Minh Khai, Sơn Đồng, Song Phương, Tiền Yên, Vân Canh, Vân Côn, Yên Nghĩa, Yên Sở.

Ngày 23 tháng 9 năm 2003, chuyển xã Yên Nghĩa vào thị xã Hà Đông.[11]. Lúc này, huyện Hoài Đức có 1 thị trấn và 20 xã.

Ngày 4 tháng 1 năm 2006, chuyển xã Dương Nội vào thành phố Hà Đông mới được thành lập.[12] Như vậy, huyện Hoài Đức có thị trấn Trạm Trôi và 19 xã: An Khánh, An Thượng, Cát Quế, Đắc Sở, Di Trạch, Đông La, Đức Giang, Đức Thượng, Dương Liễu, Kim Chung, La Phù, Lại Yên, Minh Khai, Sơn Đồng, Song Phương, Tiền Yên, Vân Canh, Vân Côn, Yên Sở, giữ ổn định đến nay.

Từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, huyện Hoài Đức được sáp nhập vào Hà Nội.[13]

Văn hóa và di tích lịch sử

Hoài Đức nằm trong một miền đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, huyện đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Đây là tài sản vô giá của các thế hệ trước truyền lại cho các thế hệ sau, đồng thời, có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, toàn huyện có 430 di tích thuộc các loại hình kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, lịch sử kháng chiến, tôn giáo tín ngưỡng, đã có 92 di tích được xếp hạng (trong đó 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích được xếp hạng cấp thành phố) và nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại trải dài từ thời đại đồ đá mới, thời đại đồng thau đến thời kỳ Bắc thuộc. Tiêu biểu như: Di chỉ khảo cổ Vinh Quang (xã Cát Quế) thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên; Di chỉ khảo cổ Vườn chuối (xã Kim Chung), Chùa Gio (xã An Thượng), thuộc các nền văn hóa Gò Mun, Đồng Đậu, Đông Sơn.... đình Giá Lưu Xá, đền Di Trạch, đình chùa Đại Tự (xã Kim Chung), quán Giá (xã Yên Sở)...

Đặc biệt, trên địa bàn có Nhà Lưu niệm Bác Hồ tại xã Vân Canh nơi dừng chân đầu tiên, đã ghi dấu lưu niệm Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng về làm việc trên chặng đường trường kỳ kháng chiến. Đó là đêm ngày 26/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cơ quan bí mật chuyển về ngôi nhà của cụ Nguyễn Thông Phúc, ở làng Hậu Ái xã Thọ Nam (nay là xã Vân Canh) huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội ở và làm việc. Đây cũng là nơi phong trào phát triển mạnh thuộc vùng An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong thời gian ở Hậu Ái, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ giải quyết nhiều việc hệ trọng của đất nước và khẩn trương chuẩn bị trường kỳ kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1946 đến 1954, toàn bộ khu nhà này đã bị phá hủy. Năm 1988, được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương cùng với Đảng bộ, nhân dân huyện Hoài Đức và xã Vân Canh đã khôi phục lại nguyên trạng ngôi nhà chính của cụ Nguyễn Thông Phúc. Công trình được khánh thành và mở cửa cho khách tham quan vào ngày 19/5/1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Huyện Hoài Đức có 43 lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm, mỗi xã, thị trấn đều có lễ hội truyền thống riêng. Cùng với lễ hội, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm bản sắc của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ được duy trì và phát triển như Ca trù, hát Chèo, tiêu biểu nhất là diễn xướng Ca trù (tại thôn Ngãi Cầu xã An Khánh).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoài_Đức http://web.archive.org/web/20060626010406/http://h... http://vi.wikisource.org/wiki/Ngh%E1%BB%8B_quy%E1%... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://hoaiduc.hanoi.gov.vn/ http://www.hanoi.gov.vn/hnportal/tag.idempotent.re... http://thongkehanoi.gov.vn/a/nien-giam-thong-ke-to... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet-15-20...